Ngoại trừ các bằng lái A1, A2, A3 được cấp không thời hạn, các loại bằng lái xe khác (A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE) đều có thời hạn sử dụng từ 5 tới 10 năm. Để tránh việc vi phạm quy định giao thông, hoặc tốn kém quá nhiều thời gian và chi phí cho việc đổi bằng lái xe ô tô B2, bạn cần tìm hiểu kỹ các thông tin và thủ tục. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những quy định, thủ tục và lưu ý khi đổi bằng lái xe ô tô B2
Quy định về đổi bằng lái xe ô tô B2
Theo Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, bằng B2 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Đối với trường hợp quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng (kể từ ngày hết hạn), người có giấy phép lái xe được phép đổi giấy phép mà không phải thi sát hạch lý thuyết hay thực tế.
Tuy nhiên, nếu giấy phép lái xe của bạn quá hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm, bạn buộc phải tham gia sát hạch lý thuyết để được cấp lại bằng lái. Trường hợp giấy phép lái xe của bạn quá hạn trên 1 năm, bạn cần tham gia sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp lại giấy phép lái xe
Các bước thực hiện thủ tục đổi bằng lái xe ô tô B2
Đế đổi bằng lái xe ô tô B2 (còn hạn sử dụng hoặc hết hạn dưới 3 tháng), bạn cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ cho người có nhu cầu đổi bằng lái B2 gồm những giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe;
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe (cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định)
- Bản sao giấy phép lái xe, giấy CMND/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy CMND (đối với công dân Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người có nhu cầu đổi bằng lái có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến như sau:
- Trực tiếp: Nộp hồ bộ hồ sơ nói trên tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao Thông Vận Tải ở bất cứ tỉnh, thành phố nào.
- Trực tuyến: Đăng ký trực tuyến và gửi hồ sơ qua trang web của tổng cục đường bộ. Bạn sẽ nhận được tin nhắn điện thoại hoặc email theo thông tin đã đăng ký ngày giờ cụ thể và nơi tiếp nhận đổi bằng lái để giải quyết.
Bước 3: Làm thủ tục đổi bằng lái xe tại nơi tiếp nhận:
Người đổi bằng lái xe đóng lệ phí đổi giấy phép lái xe là 135,000 VND/lần. Khi làm thủ tục đổi bằng lái xe, các cơ quan chức năng sẽ cắt góc và thu hồi lại giấy phép lái xe cũ.
Bước 4: Nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ
Sau thời gian xử lý hồ sơ và cấp mới, người lái xe nhận giấy phép lái xe mới tại nơi đã nộp hồ sơ.
Lưu ý khi đổi bằng lái xe B2
Để việc đổi bằng lái xe ô tô B2 của bạn diễn ra nhanh, tiết kiệm chi phí và hiệu quả, hãy ghi nhớ những lưu ý sau:
Nếu bạn đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến, hãy nhớ cầm theo bộ hồ sơ gốc bao gồm Chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe và giấy khám sức khỏe khi đến làm việc.
Thời gian cấp lại bằng lái xe hết hạn sẽ từ 5-7 ngày đối với bằng lái do Sở Giao Thông Vận Tải Hà Nội hoặc tổng cục đường bộ Việt Nam cấp, và 25 ngày đối với giấy phép do Sở Giao Thông Vận Tải các tỉnh khác cấp.
Người lái xe nên đặc biệt lưu ý thời hạn bằng lái của mình để đổi bằng lái mới đúng hạn. Tránh trường hợp quá hạn trong thời gian dài, mất thêm nhiều tiền bạc và thời gian để tham gia sát hạch lại. Đặc biệt, nếu lái xe sử dụng bằng lái đã hết hạn khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt 400,000 – 600,000 VND nếu điều khiển xe ô tô với bằng lái xe hết hạn dưới 6 tháng, và thậm chí lên đến 6 triệu đồng nếu điều khiển xe ô tô với bằng lái xe hết hạn từ 6 tháng trở lên.
Mong rằng những hướng dẫn và lưu ý hữu ích mà chúng tôi cung cấp, bạn đọc sẽ có thông tin tổng quan về vấn đề này và tự tin thực hiện thủ tục đổi bằng lái B2 của mình.