Bất kỳ ai khi mới tập lái xe cũng có những bỡ ngỡ, va vấp trước khi trở thành một tài xế chắc tay. Sau đây là những lưu ý “vàng” để đảm bảo an toàn cho người mới lái xe và những người xung quanh khi lưu thông trên đường.
- Đi xe nhỏ
Những người mới lái xe nên chọn những chiếc xe nhỏ gọn, động cơ dung tích từ 1.0 đến 1.4 lít, dễ dàng sửa chữa với chi phí rẻ.
Vì những chiếc xe động cơ dung tích lớn, công suất cao, những chiếc xe sang trọng, đắt tiền có sức mạnh lớn, khả năng tăng tốc nhanh, dễ tạo nên cảm giác tự tin thái quá cho bạn. Điều này khiến bạn chạy xe với tốc độ cao, tăng tốc nhanh, trong khi kĩ năng của bạn chưa đủ để xử lý, và dễ dàng gây ra tai nạn nghiêm trọng.
2. Mua bảo hiểm
Với người mới lái xe, việc va đụng là khó tránh khỏi, vì vậy hãy tìm hiểu và mua bảo hiểm để tiết kiệm chi phí sửa chữa.
3. Làm quen với thao tác trên xe
Thực hành thao tác côn, ga, phanh, cần số, phanh tay… là những thao tác cần thiết để bạn làm quen với xe khi xe chưa chạy. Nhờ vậy bạn sẽ nhớ được vị trí các bộ phận ở khoang cabin để thao tác chính xác khi lái xe.
Ngoài ra, bạn cũng cần chỉnh ghế lái, vô lăng, gương chiếu hậu sao cho có tư thế ngồi lái, tư thế đặt tay vô lăng và góc quan sát tốt nhất.
Cài dây an toàn trước cũng là một trong những điều cần ghi nhớ để đảm bảo an toàn khi xảy ra tai nạn.
4. Chậm nhưng chắc
Hãy luôn nhớ, điều quan trọng nhất khi lái xe chính là đi an toàn và chính xác, không phải là đi nhanh. Đặc biệt, mới lái xe không nên tăng tốc đột ngột và đi với tốc độ cao. Hãy tập các kỹ năng lái xe chính xác ở tốc độ thấp, sau đó mới tăng dần tốc độ.
5. Kỹ năng quan sát gương chiếu hậu
Khi mới lái xe, chúng ta thường xuyên quá chú ý tới phía trước mà quên không quan sát gương chiếu hậu. Hãy tập thói quen nhìn gương để quan sát 2 bên đường và phía sau xe tránh những tình huống đột ngột xảy ra ở hai bên hông xe.
Đặc biệt, khi lùi xe, bạn không nên quay đầu lại hay thò đầu ra ngoài cửa sổ để lùi, mà hãy thực hành kỹ năng nhìn gương và lùi.
6. Quy tắc nhường đường
Khi lái xe mà thấy tín hiệu còi và xin-nhan xin vượt, bạn cần bình tĩnh nhìn gương chiếu hậu, nếu có khoảng trống an toàn, gạt xi-nhan và nhường đường, sau đó quay trở lại làn đường cũ. Thao tác này cần chính xác và không nên vội vàng.
7. Giữ khoảng cách
Giữ khoảng cách là điều khó nhất cho người lái xe, đặc biệt là khi di chuyển trong các thành phố đông đúc như Hà Nội hay TP HCM. Do vậy khoảng cách giữa các xe không bao giờ được như lý thuyết.
Bạn cần tập cảm nhận khoảng cách với xe phía trước. Hãy tìm một đoạn đường vắng xe qua lại, nhờ một người xi-nhan cho mình, bạn hãy tập tiến dần tới một chiếc xe máy, ô tô và dừng lại trước khi va chạm. Hãy cảm nhận và đo đạc khoảng cách an toàn giữa đầu xe mình và các xe phía trước. Vì mỗi chiếc xe đều có phần đầu xe dài ngắn khác nhau, nên việc cảm nhận khoảng cách phía trước là rất cần thiết mỗi khi đi một chiếc xe lạ.
8. Quan sát biển báo
Thói quen quan sát mọi biển báo giao thông trên đường như biển hạn chế tốc độ, cấm rẽ, cấm đỗ…, sẽ giúp bạn không “mất tiền oan” cho cảnh sát giao thông. Đồng thời, không được bám đuôi những chiếc xe cao to như xe khách, xe tải, xe buýt vì bạn sẽ mất hết tầm nhìn và quan sát biển.
9. Quay đầu
Đây là kỹ năng được coi là khó nhất với bất kỳ người điều khiển xe nào. Với điều kiện giao thông đông đúc, các xe luôn bấm còi thúc giục, việc quay đầu ở đoạn đường đông cần sự bình tĩnh nhiều hơn là kỹ năng.
Ở những nơi có biển báo được phép sang đường, quay đầu, hay xi-nhan từ sớm, khi áp sát nơi có thể quay xe thì từ từ đánh lái, quan sát gương chiếu hậu.
Ở những đoạn áp dụng kiểu quay đầu giữa đường, cần quan sát và tìm vị trí có thể quay đầu được mà ít ảnh hưởng tới giao thông trên đường nhất.
10. Đỗ, lùi xe
Đỗ xe theo kiểu ghép ngang hay lùi chuồng đều cần thiết có một kỹ năng lái xe khéo léo. Đặc biệt là ở Việt Nam, bạn càng cần lùi xe khéo léo hơn, cẩn thận hơn. Hãy bình tĩnh thực hiện việc đỗ xe của mình, quan sát gương chiếu hậu. Nếu thấy khó, hãy yêu cầu sự trợ giúp, nhờ người xi-nhan chứ không nên quá tự tin vào bản thân.